( SMS Nino24 ) - Loài cá ngoại lai được du nhập vào Việt Nam với mục đích phục vụ cho thú chơi cá cảnh (vệ sinh bể cá) nhưng không biết bằng cách nào cá dọn bể lại bị xổng ra môi trường tự nhiên rồi phát triển tràn lan, khó kiểm soát.
Chưa thể tính toán hết những hệ lụy mà loài cá ngoại lai này gây ra đối với môi trường song với những người vẫn ngày đêm gắn bó với nghề chài lưới, với khúc sông này, quãng kênh kia để mưu sinh thì chúng đã gây thiệt hại rất lớn.
Một người làm nghề chài lưới tên Yến (SN 1957) có hơn 30 năm gắn bó với sông Thương (Bắc Giang) chia sẻ với chúng tôi rằng, ông cảm thấy ngán ngẩm, thậm chí là căm ghét lũ cá dọn bể. Sự xuất hiện của chúng khiến cho những người làm nghề sông nước như ông có nguy cơ phải cất thuyền, treo lưới, gác cần câu và thậm chí là có thể treo... niêu.
Theo ông Yến, trước đây quãng sông này nhiều tôm cá bản địa, còn hiện giờ cứ thưa vắng dần, oái oăm thay hễ cứ thả lưới xuống sông là bị vướng rất nhiều cá dọn bể. Có hôm thả lưới chưa đầy 20 phút đã có hàng chục con cá loại này bị mắc.
Lẽ thường gặp cá thì dân chài lưới sẽ vui nhưng với loài cá dọn bể, các ngư phủ chẳng hào hứng gì bởi chúng không những ít mang lại giá trị ngoài việc làm sạch bể cá cảnh, cá vướng vào khiến ngư dân mất nhiều thì giờ để gỡ, đã vậy lại còn phải xé lưới mới lôi cổ được chúng ra. “Loại này dính vài lần là rách tan tay lưới, thử hỏi có ai ưa loài cá ấy”, ông Yến nhăn nhó giãi bày.
Tôi có một buổi chiều cùng ông Yến đi đánh cá dọc sông Thương trên chiếc thuyền nan và trực tiếp thấy những con cá dọn bể to bằng bắp chân người, da dẻ thâm nâu, mình mẩy đầy gai góc và nom chúng thực sự ghê rợn và không mấy thiện cảm.
Mẻ lưới vừa vướt lên, cua cá bản địa chẳng thấy đâu mà cá dọn bể thì mắc lưới đến mấy chục con, người ta quẳng chúng lên bờ cả ngày mà chúng vẫn sống.
Ông Yến than thở: “Không biết giờ ở đâu ra lắm lũ cá này thế, dù thả lưới vương, lưới bát quái, quăng chài, thả rọ hay đi câu thì đều chạm mặt nó, nhiều hôm phải bắt cả chục kí cá dọn bể mà phát ngán. Khổ nỗi chỉ nhìn hình dạng chúng là đã ghê rợn, mình cá rất ít thịt, toàn xương, da dẻ xù xì, thô ráp, vây nhọn hoắt như đinh và đương nhiên con người chẳng thể dùng làm thực phẩm. Không may bắt được mớ cá loại này cũng đành gọi cho mấy gia đình trên bờ mang về nấu cho lợn ăn hoặc ủ làm phân để bón cây”.
Nếu trước đây, bình quân mỗi ngày ông Yến kiếm được từ 100 - 200 nghìn đồng từ việc đánh bắt cua, cá trên sông nhưng nay khó khăn hơn rất nhiều, có hôm giăng lưới cả tiếng không được gì ngoài cá dọn bể.
Không chỉ trên sông, ngòi, tôi gặp một số dân chuyên đi câu giải trí và những người nuôi thả cá trong hồ, ao đều cho biết cá dọn bể đã xâm nhập vào đó và sinh sôi rất nhanh. Anh Vũ Minh Hồng cũng là dân chài lưới lâu năm trên sông Thương cũng bất ngờ khi thấy có quá nhiều cá dọn bể ở khắp hồ, ao, sông, ngòi.
"Bình thường khi được nuôi trong bể, giống cá ấy có kích thước và trọng lượng rất khiêm tốn nhưng khi xổng ra môi trường tự nhiên lại to lớn bất thường, có con nặng vài kí", anh Hồng kể.
Tương tự, anh Ngô Minh Khánh ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có mấy mẫu hồ thả cá, dù đã tuyển chọn giống rất kỹ, be bờ, đắp vùng cẩn thận nhưng không hiểu sao đợt thu hoạch cá cuối năm ngoái của gia đình anh lại xuất hiện tới vài chục kí cá dọn bể. Anh Khánh bảo: Nếu không có biện pháp kiểm soát đối với loài cá ngoại lai này thì lâu dài chúng sẽ trở thành thảm họa lớn và khó lường hết những tác hại đối với môi trường.
Cá dọn bể hay còn gọi cá lau kính có nguồn gốc từ Nam Mỹ, chúng là loài ăn tạp, thích nghi rộng, cơ thể nhiều xương, vây cực sắc nhọn và cứng như đinh. Ở môi trường tự nhiên, chúng không chỉ tranh cướp thức ăn mà còn có thể hút nhớt (chất nhầy) trên mình của các loài cá khác.
Cá dọn bể sinh sản nhanh, con người chả ai buồn bắt nên càng tạo cơ hội để chúng sinh trưởng, tồn tại và “tác oai tác quái” ở chốn "thủy cung". Cũng cần đặt ra giả thiết vì cá dọn bể lây lan đến chóng mặt nên thời gian gần đây các sông ngòi, ao hồ thưa vắng dần cá tự nhiên bản địa?